LIÊN KẾT KINH TẾ VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG - Tin tức - DAT XANH GROUP - Nhà phát triển dự án
Hotline: 0906 417 357

LIÊN KẾT KINH TẾ VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG

Ngày đăng: 29.01.2015 / 1400 lượt xem

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2010, tính theo giá so sánh năm 1994, của Vùng là 60.590,42 tỷ, chiếm 10,98% so với GDP của cả nước. Hầu hết các tỉnh đều có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 10%/năm giai đoạn 2001 - 2010, cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước (7,26%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010 đạt 43.797 tỷ đồng; trong đó có 2 địa phương đạt mức trên 12.000 tỷ đồng là Đà Nẵng và Quảng Ngãi (tăng đột biến do nguồn thu của nhà máy lọc dầu Dung Quất), nhưng vẫn còn 4 tỉnh có mức thu ngân sách dưới 3.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2010 của Vùng là 87.888 tỷ đồng, chiếm 10,59% so với cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn năm 2010 là 2,646 tỷ USD, chiếm 3,67% cả nước.

Dân số trung bình theo thống kê năm 2010 là 8,18 triệu người, chiếm 9,42% dân số cả nước, mật độ bình quân là 214,23 người/km2. Phần lớn dân cư phân bố trải rộng theo các tuyến đường quốc lộ, nhất là quốc lộ 1A và vùng đồng bằng ven biển. Ngoại trừ Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa; tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương còn lại vẫn chiếm tỷ trọng khá cao so với mức bình quân cả nước năm 2010 (10,6%).

Về giáo dục đào tạo, nhìn chung, toàn vùng có hệ thống đào tạo tương đối hoàn chỉnh, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Mỗi địa phương đều gồm nhiều trường đại học (cả Vùng có 28 trường đại học và tương đương), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề, nổi bật nhất là 2 đại học trọng điểm vùng là Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế.

Về y tế, 7 tỉnh có 106 bệnh viện và 65 phòng khám đa khoa khu vực do địa phương quản lý (cả nước có 940 bệnh viện và 670 phòng khám đa khoa khu vực), với 4.763 bác sĩ và 14.190 giường bệnh; tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân là 17,335 cao hơn một chút so với bình quân cả nước (16,662/vạn dân)

Toàn vùng có 6 sân bay (trong đó có 4 cảng hàng không quốc tế), 8 cảng biển nước sâu, 6 khu kinh tế ven biển (cả nước có 15 khu kinh tế ven biển), 1 khu công nghệ cao (cả nước có 3 khu công nghệ cao), 9 tuyến đường quốc lộ, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, phân bổ đều khắp ở các địa phương, nối liền các đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng.

II. Định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Vùng

Vùng duyên hải miền Trung nằm ở trung độ trên các trục giao thông chính Bắc - Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, có ý nghĩa chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, là cửa ngõ ra biển của các tuyến hành lang Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương.

Với lợi thế địa - kinh tế này, cộng thêm những tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động dồi dào, đã tạo điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang thương mại quan trọng nằm giữa 2 Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, cũng như kết nối giữa khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á. Nếu nhìn tiềm năng về kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khoá X), thì chính địa bàn này là nơi tập trung nhất về thế mạnh của kinh tế biển; đóng vai trò “mặt tiền” của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, là địa bàn trọng yếu để bảo vệ chủ quyền biển của đất nước.

 

Description: http://dised.danang.gov.vn/Portals/0/Anh%202.%20Cau%20vuot%20Lang%20Co%20-%20TH%20Hue.jpg

 

 

III. Tiềm năng và thế mạnh của Vùng

Nhìn chung, các địa phương có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành chủ lực như: du lịch, công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải, khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá…

Đặc biệt, trên địa bàn tập trung đến 4 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam); có nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp tầm cỡ quốc tế và các khu bảo tồn thiên nhiên… là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch.

Một chuỗi đô thị ven biển đang hình thành như: Chân Mây - Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang là cơ sở quan trọng để thiết lập và mở rộng các liên kết kinh tế giữa các địa phương trong Vùng. Các địa phương đã xây dựng một số đoạn tuyến đường du lịch ven biển và dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành cung đường ven biển dài hơn 500km này.

Toàn Vùng đã có 6 khu kinh tế, 34 khu công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có quy mô lớn như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông lâm thủy sản, hóa chất, vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, công nghiệp thông tin, dệt may, da giày… với các sản phẩm chủ lực là hóa dầu, thủy điện, ô tô, hải sản, dệt may, da giày, cao su…

Phát triển ngành khai thác (nuôi trồng, chế biến) thủy sản và chế biến, xuất khẩu thủy sản; có đội ngũ ngư dân có truyền thống đánh bắt hải sản đông đảo.

IV. Các điểm yếu cần khắc phục

Xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào…); các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lắp nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư (cả nhà nước lẫn tư nhân). Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Tuy nhiên, tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp vẫn còn khá lớn, chỉ có Đà Nẵng và Khánh Hòa có tỷ trọng thấp, tương ứng năm 2010 là 2,97% và 12,2%.

Quy mô thu ngân sách nhỏ, chỉ có Đà Nẵng, Khánh Hòa có thu vượt chi và tự cân đối được, tương ứng năm 2010 là 12.100 tỷ và 8.000 tỷ. Nguồn vốn đầu tư mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển, nhất là yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng. Thiếu các cơ chế, chính sách cho việc huy động vốn cũng như liên kết kinh tế. Các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 còn ở mức thấp hoặc trung bình, cụ thể: Quảng Ngãi (55/63), Khánh Hòa (40/63), Phú Yên (31/63), Quảng Nam (26/63), Bình Định (20/63), Thừa Thiên Huế (18/63).

Hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ. Chưa có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, nhất là các tuyến đường cao tốc đáp ứng yêu cầu phát triển. Ngoại trừ các đô thị lớn trong Vùng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung cả nước, nhất là chỉ tiêu GDP bình quân trên đầu người, tỷ lệ đô thị hóa, các chỉ tiêu an sinh xã hội. Quy mô thị trường nhỏ, khả năng thanh toán của người dân thấp...

Doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Phần lớn các doanh nghiệp mới tham gia vào một số công đoạn của mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng khá cao; lao động chưa qua đào tạo còn lớn; tỷ lệ lao động lành nghề, đáp ứng cao yêu cầu doanh nghiệp thấp; thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao.

Đã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn Vùng do các tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế. Phần lớn các địa phương đều có tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình. Hơn nữa, các ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh có cơ cấu ngành, sản phẩm khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ.

Các tỉnh vẫn còn lúng túng, bị động, chưa biết bắt đầu và triển khai các bước cần thiết như thế nào để liên kết phát triển.