Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch - Tin tức - DAT XANH GROUP - Nhà phát triển dự án
Hotline: 0906 417 357

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch

Ngày đăng: 15.12.2014 / 5419 lượt xem

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) là dự án "treo" xuyên thế kỷ với 17 năm chỉ triển khai được một phần rất nhỏ: 25,4 ha diện tích/ 286,5 ha tổng diện tích được quy hoạch.

Sự ì ạch, gần như "dậm chân tại chỗ" đó đã khiến cho gần 2.000 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch 17 năm qua không ổn định cuộc sống cùng nhiều hệ lụy khác cho xã hội và sự phát triển của 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam.

Trước thực trạng này, ngày 9-8, tại Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cùng một số Vụ, Cục chức năng đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPĐN, tỉnh Quảng Nam và ĐHĐN để thống nhất giải pháp giải quyết về tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng Làng ĐHĐN...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và ĐHĐN về dự án Làng ĐH Đà Nẵng.

"Treo" vì không có kinh phí!

Theo báo cáo của  ĐHĐN, Dự án LĐHĐN được phê duyệt tại quyết định (QĐ) số 1057 ngày 9-12-1997 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích sử dụng đất được quy hoạch là 300 ha, trong đó TPĐN: 110 ha (P.Hòa Quý), Quảng Nam: 190 ha (xã Điện Ngọc, H.Điện Bàn).

Trải qua 17 năm với nhiều QĐ phê duyệt, QĐ phê duyệt điều chỉnh dự án, QĐ gia hạn thời gian thực hiện..., và qua 2 giai đoạn triển khai, đến nay, Dự án mới thực hiện được 25,4ha/286,5 ha đất trong tổng quy hoạch (diện tích đất ở Đà Nẵng được điều chỉnh còn 96,5 ha/110 ha so với QĐ ban đầu). Theo đó, 190 ha đất thuộc tỉnh Quảng Nam và 71,1 ha thuộc TPĐN chưa thể triển khai do không có vốn.

Theo ĐHĐN, vốn đầu tư để triển khai thực hiện Dự án Làng ĐHĐN rất lớn (khoảng 300 triệu USD), cần có cơ chế để huy động từ nhiều nguồn khác nhau... Được biết, đến thời điểm này, ngoài Trường CĐ Công nghệ Thông tin Việt - Hàn được UBND TP Đà Nẵng đưa vào xây dựng tại làng, phía ĐHĐN mới chỉ xây dựng được trường CĐ Công nghệ Thông tin, Khoa Y-Dược và khu KTX dành cho SV...

Theo PGS-TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐHĐN, việc chưa triển khai dự án trên địa phận tỉnh Quảng Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đất đai, gây khó khăn trong kế hoạch xây dựng và phát triển của địa phương, khiến cuộc sống của gần 2.000 hộ dân cư đang cư trú trong khu vực dự án không ổn định, nảy sinh tình trạng xây dựng nhà trái phép và nhiều vấn đề liên quan khác...

Cũng theo Giám đốc ĐHĐN, vấn đề này đã được phản ảnh trong rất nhiều kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội... Đối với diện tích đất quy hoạch nằm trên địa phận TPĐN, trong quá trình triển khai giai đoạn I, II cũng gặp không ít khó khăn về việc giải phóng mặt bằng, khó khăn do nguồn kinh phí quá hạn hẹp dẫn đến tiến độ giai đoạn II bị chậm tiến độ. Đến nay, phía Đà Nẵng còn 71,1 ha trong diện quy hoạch chưa triển khai...

Trên cơ sở phân tích những khó khăn, tồn tại và thách thức, ĐHĐN cho biết chiến lược phát triển của ĐHĐN trong thời gian tới là: Tiếp tục đầu tư phát triển và mở rộng (nếu điều kiện cho phép) các cơ sở hiện có để đáp ứng nhu cầu phục vụ đào tạo và nghiên cứu; điều chỉnh quy hoạch làng ĐH Đà Nẵng để xây dựng Trường ĐH Việt - Anh, Trường ĐH Y Dược, Bệnh viện ĐH Y-Dược, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Viện Công nghệ cao, Trung tâm giáo dục quốc phòng, Khu KTX SV và một số khu phụ trợ...

Quy hoạch chung Làng ĐHĐN. 

"Treo" vì thiếu quyết tâm hay thiếu trách nhiệm?

Theo ông Huỳnh Đức Thơ- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khó khăn thì ở đâu cũng có, tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc dự án "treo" đến nay thể hiện sự thiếu quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện... Điều đó cho thấy, cách làm, cách thực hiện chưa đúng, chưa thể hiện sự quyết tâm cao.

Cũng theo ông Huỳnh Đức Thơ, nếu như năm 1997 thực hiện ngay việc giải tỏa đền bù, tái định cư cho dân về nơi ở mới, đồng thời giải phóng sạch mặt bằng phân kỳ giai đoạn đầu tư thì sẽ đỡ tốn kém tiền của và không gây bức xúc của người dân vùng quy hoạch. Ông Đinh Văn Thu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam- cho biết, chính quyền tỉnh Quảng Nam mong chờ cuộc họp này từ lâu lắm rồi. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị ra Bộ và Chính phủ về vấn đề Làng ĐHĐN nhưng... mọi việc không có gì tiến triển.

Theo ông Thu, tỉnh Quảng Nam luôn xác định dự án này là một trong những chiến lược động lực để phát triển tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong suốt 17 năm qua, người dân xã Điện Ngọc vô cùng bức xúc, nhiều lần tỏ thái độ bất bình với chính quyền địa phương. Sự ì ạch của dự án đã bộc lộ một vấn đề đó là, ngoài kinh phí, có thể cho thấy cách làm chưa đúng, chưa thực sự quyết tâm.

Ông Thu thẳng thắn cho rằng, dù bất kỳ lý do gì thì việc để dự án Làng ĐHĐN 17 năm qua ì ạch không triển khai được là thiếu trách nhiệm với dân. Theo đó, giữa chiến lược với việc triển khai chưa được khớp nối với nhau. Theo đó, các bên liên quan cần có trách nhiệm lẫn nhau trong vấn đề này. Cũng theo ông Thu: "Đã đến lúc phải dứt khoát trả lời với nhân dân trong vùng quy hoạch".

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo TPĐN đều cho rằng, nên giữ nguyên quy hoạch nhưng thực hiện theo phương án phân kỳ đầu tư cho hợp lý. Trước mắt phải xin Chính phủ kinh phí để giải tỏa đền bù, tái định cư cho dân, giải phóng sạch mặt bằng rồi tính chuyện tương lai sau.

Ông Thơ thể hiện quyết tâm: "Không nên bàn lui nữa. Chúng ta nên thống nhất phương án rồi cùng nhau kéo ra Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính, xin gặp Thủ tướng Chính phủ... Nếu để dài tình trạng này trong 3 năm nữa khó có thể làm được. Vì lúc đó kinh phí để đền bù giải tỏa, tái định cư sẽ "đội lên rất cao". "Với diện tích 300ha như quy hoạch đã phê duyệt thì mới ra một làng ĐH được, cứ có đất sạch rồi chúng ta có thể phân kỳ đầu tư cho hợp lý, tránh lặp lại như cũ và phải quản lý chặt chẽ. Nếu không chọn chỗ này làm làng ĐH,  tôi nghĩ khó để xây dựng một nơi nào khác ở miền Trung. Theo đó, Làng ĐHĐN muốn thành công thì phải có quyết tâm chính trị rất cao, từ cả phía Bộ GD-ĐT, tỉnh Quảng Nam cũng như thành phố Đà Nẵng" - ông Thơ nói.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ lãnh đạo ĐHĐN, tỉnh Quảng Nam và TPĐN về những khó khăn, bất cập trong công tác triển khai thực hiện, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng đã chia sẻ những khó khăn cũng như sức ép mà lãnh đạo 2 tỉnh, thành đang phải đối mặt, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam; thống nhất với kiến nghị nên giữ nguyên quy hoạch, tiến hành rà soát đưa ra con số hạch toán cụ thể để trên cơ sở đó đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thực hiện quy hoạch xây dựng Làng ĐHĐN theo hướng phân kỳ quy hoạch. Cụ thể, xin kinh phí vốn để giải tỏa đền bù, tái định cư cho dân trước, giải phóng mặt bằng giữ đất, sau đó, tìm nguồn vốn tập trung để triển khai dự án ở những giai đoạn tiếp theo...

P.Thủy